Lịch sử Istanbul

Di tích của một cột phong cách Byzantine tìm thấy ở vệ thành của Byzantiumxưa kia, ngày nay nằm trong khuôn viên tổ hợp kiến trúc Cung điện Topkapı.

Các vật tạo tác thời Đá mới, có niên đại thiên niên kỉ thứ 7 trước Công nguyên và được các nhà khảo cổ khai quật vào đầu thế kỷ XXI đã chỉ ra rằng bán đảo lịch sử Istanbul đã từng được khai phá sớm hơn so với trước đây người ta tưởng và thậm chí trước cả khi eo Bosphorus hình thành[28]. Trước khám phá này, hiểu biết thông thường cho rằng các bộ lạc người Thrace, bao gồm người Phrygia, bắt đầu định cư ở Sarayburnu vào cuối thiên niên kỉ thứ 6 trước CN[19]. Ở bờ châu Á, các vật tạo tác bắt nguồn từ khoảng thiên niên kỉ thứ 4 trước CN đã tìm thấy ở Fikirtepe (thuộc quận Kadıköy)[29]. Nơi này cũng từng là địa điểm của một trạm buôn bán của người Phoenicia ở đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước CN cũng như thị trấnChalcedon thành lập vào khoảng năm 680 tr.CN[lower-alpha 1].

Tuy nhiên, lịch sử của Istanbul thông thường được ghi nhận từ khoảng 660 tr.CN[lower-alpha 1], khi những người dân di thực từ Megara, dưới sự chỉ huy của Vua Byzas, lập nên thành bang thuộc địa Byzantium ở bờ châu Âu của eo Bosphorus. Họ đã xây mộtvệ thành gần kề Sừng Vàng ở vị trí nơi người Thrace khai phá trước kia, nhen nhóm cho nền kinh tế mới nảy nở của thành phố[30]. Thành bang này đã trải qua một thời kì ngắn dưới nền cai trị của Ba Tư cuối thế kỷ V trước CN, nhưng người Hy Lạp đã sớm chiếm lại nó trong Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư[31]. Byzantium tiếp tục tham gia vào Liên minh Athena và sau đó là Liên bang Athena lần thứ hai, trước khi giành được độc lập hoàn toàn vào năm 355 tr.CN[32]. Sau một thời gian dài kết đồng minh với người La Mã, Byzantium chính thức trở thành một phần của Đế quốc La Mã vào năm 73 Công nguyên[33].

Quyết định của Byzantium về phe với người thoán ngôi Pescennius Niger chống lại Hoàng đế La Mã Septimius Severus đã khiến Byzantium phải trả một giá rất đắt; khi Byzantium đầu hàng vào năm 195, hai năm vây hãm đã làm cho thành phố trở nên đổ nát[34]. Tuy vậy, năm năm sau, Severus bắt đầu tái dựng Byzantium, và thành phố đã giành lại - và theo một số ghi chép còn vượt qua - sự thịnh vượng trước kia của nó[35].

Sự hưng thịnh và suy vong của Constantinopolis

Bài chi tiết: Constantinopolis

Constantinus Đại đế thành công trong việc giành ngôi hoàng đế của toàn Đế quốc La Mã vào tháng 9 năm 324[36]. Hai tháng sau, Constantinus triển khai những quy hoạch một thành phố mới, theo Cơ đốc giáo để thay cho Byzantium. Là đế đô phương đông của đế quốc, thành phố được đặt tên là Nea Roma ("Roma mới"); tuy nhiên, thường được gọi đơn giản là Constantinopolis, một cái tên tồn tại tới thế kỷ XX[37]. Sáu năm sau, vào ngày 11 tháng 5 năm 330, Constantinopolis trở thành kinh đô của một đế quốc mà về sau được biết đến với tên Đế quốc Byzantine hay Đế quốc Đông La Mã[38].

Được tạo ra năm 1422 bởi Cristoforo Buondelmonti, đây là bản đồ Constantinopolis cổ nhất còn tồn tại.

Việc xây dựng thành Constantinopolis được cho là một trong những thành tựu tồn tại vững bền nhất của Constantinus, làm dịch chuyển trọng tâm quyền lực của La Mã về phía đông khi thành phố này trở thành trung tâm của văn hóa Hy Lạp và của đạo Cơ đốc[38][39]. Nhiều nhà thờ đã được xây dựng ở thành phố, bao gồm Hagia Sophia - từng là nhà thờ Cơ đốc giáo lớn nhất thế giới trong hơn một ngàn năm[40]. Một đổi thay chủ chốt khác dưới thời Constantinus là sự cách tân và mở rộng Trường đua xe ngựa Constantinopolis; cho phép hàng vạn khán giả tham dự, trường đua này đã trở thành trung tâm trong đời sống công cộng cũng như, trong các thế kỷ V và VI, tâm chấn của các cuộc bạo động, bao gồm Vụ bạo loạn Nika[41][42]. Nơi xây dựng Constantinopolis cũng đảm bảo sự tồn tại của nó đứng vững trước những thử thách của thời gian; trong nhiều thế kỉ, những bức tường thành và đê biển của thành phố đã bảo vệ châu Âu khỏi những đạo quân xâm lược từ phương Đông và sự trỗi dậy của Hồi giáo[39]. Trong hầu hết thời Trung Cổ tức nửa sau của kỷ nguyên Byzantine, Constantinopolis từng là thành phố lớn nhất và giàu có nhất trên lục địa châu Âu và có những thời kỳ là đô thành lớn nhất thế giới[43][44].

Constantinopolis bắt đầu suy yếu sau cuộc Thập tự chinh thứ tư, trong đó nó đã bị cướp bóc và đốt phá[45]. Sau đó thành phố trở thành trung tâm của Đế quốc Latin do quân đội thập tự chinh theo Công giáo lập nên để thay thế cho Đế quốc Byzantine Chính thống giáo[46]. Tuy nhiên, Đế quốc Latin chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi, và Đế quốc Byzantine được phục hồi vào năm 1261, nhưng đã suy yếu nhiều[47]. Các giáo đường, công sự, và các dịch vụ cơ bản trong tình trạng không được tu sửa[48] còn dân cư thành phố tụt xuống còn một trăm ngàn từ con số nửa triệu ở thế kỷ VIII[lower-alpha 5].

Hoàng đế Andronikos II Palaiologos lên ngôi năm 1282 đã ban hành nhiều chính sách kinh tế và quân sự sai lầm, như giảm bớt lực lượng quân đội, càng làm đế chế suy yếu đi, mất khả năng kháng cự xâm lược[49]. Vào giữa thế kỷ XIV, người Thổ Ottoman bắt đầu một chiến lược chiếm đóng dần dần những thành phố, thị trấn nhỏ hơn xung quanh, cắt đứt các tuyến đường cung yếu cho Constantinopolis và bóp nghẹt nó một cách chậm rãi[50]. Cuối cùng, vào ngày 29 tháng 5 năm 1453, sau một cuộc bao vây kéo dài chín tuần (trong đó Hoàng đế La Mã cuối cùng, Constantine XI Palaiologos bị giết), Sultan Mehmed II "Nhà chinh phục" đã chiếm được Constantinopolis và tuyênha bố thành phố này là kinh đô mới của Đế quốc Ottoman. Ít giờ sau đó, vị sultan cưỡi ngựa tới Hagia Sophia và triệu tập một thầy tế (imam) để tuyên cáo tín ngưỡng Hồi giáo, chuyển đổi nhà thờ Kitô giáo vĩ đại này thành một thánh đường Hồi giáo của đế quốc do trước đó kinh thành này đã từ chối đầu hàng.[51].

Kỷ nguyên Ottoman và Thổ Nhĩ Kỳ

Thánh đường Hồi giáo Süleymaniye là một trong số những thánh đường ở Istanbul do Mimar Sinan thiết kế.

Sau khi Constantinopolis thất thủ, Mehmed II ngay lập tức tiến hành phục sinh thành phố, mà từ đó thường được gọi với tên Istanbul. Ông khuyến khích những người dân chạy nạn trong cuộc vây hãm trở về, và cưỡng bức tái định cư những người Hồi giáo, Do Thái và Kitô giáo từ những miền khác của Anatolia. Vị sultan này mời gọi cư dân từ khắp châu Âu tới kinh đô của ông, tạo nên một xã hội toàn cầu tồn tại trong phần lớn thời kỳ Ottoman[52]. Bên cạnh đó, Mehmed II đã cho sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại của thành phố, bắt đầu xây Kapali Carsi (Chợ Lớn) và Cung điện Topkapı, dinh cơ chính thức của hoàng gia[53].

Người Ottoman đã nhanh chóng biến đổi thành phố từ một thành lũy Cơ đốc giáo trở thành một biểu tượng của văn hóa Hồi giáo. Các quỹ tôn giáo được thành lập để quyên tiền cho việc xây cất các thánh đường Hồi giáo vĩ đại, thường nằm tiếp giáp với các trường học, bệnh viện và nhà tắm công cộng[53]. Triều đại Ottoman tự tuyên bố là một triều đại khalip vào năm 1517, với Istanbul là kinh đô của triều đại khalip cuối cùng trong lịch sử này hơn bốn thế kỉ sau đó[9]. Thời kỳ chấp chính củaSuleiman Đại đế từ 1520 tới 1566 là đỉnh cao của nhà nước Ottoman, đồng thời là kỷ nguyên hoàng kim của các thành tựu nghệ thuật và kiến trúc vĩ đại; kiến trúc sư trưởng Mimar Sinan đã thiết kế một loạt những công trình có tính biểu tượng của thành phố, trong khi nghệ thuật làm gốm, thư pháp và tranh tiểu họa nở rộ[54]. Dân số của Istanbul tiếp tục tăng, lên tới 570 nghìn người vào cuối thế kỷ XVIII[55].

Một thời kì hỗn loạn đầu thế kỷ XIX đã dẫn tới sự xuất hiện của vị Sultan tiến bộ Mahmud II và sau đó là thời kỳ Tanzimat với một loạt các cải cách chính trị và đưa những công nghệ mới vào thành phố. Các cây cầu bắc qua Sừng Vàng được xây dựng chính trong thời kỳ này[56], và Istanbul được kết nối với mạng lưới đường sắt châu Âu vào những năm 1880[57]. Các dịch vụ hiện đại, như hệ thống nước ổn định, điện lưới, điện thoại rồi xe điện lần lượt xuất hiện ở Istanbul trong những thập kỉ sau đó, mặc dù muộn hơn so với một số thành phố châu Âu khác[58]. Dù vậy, những nỗ lực hiện đại hóa đã không đủ để đẩy lùi sự suy tàn của Đế chế Ottoman.

Đầu thế kỷ XX, cuộc Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ Trẻ (1908) đã loại bỏ Sultan Abdul Hamid II và một loạt các cuộc chiến tranh sau đó đã gieo tai họa cho thủ đô của một đế quốc kiệt quệ[59]. Cuộc chiến cuối cùng trong số đó, Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã dẫn đến việc quân đội Anh, Pháp, Ý chiếm đóng Istanbul (1918-1923). Vị Sultan cuối cùng, Mehmed VI, bị lưu đày vào tháng 11 năm 1922; năm kế đó, Hiệp ước Lausanne đã chấm dứt sự chiếm đóng và thừa nhận nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, do Mustafa Kemal Atatürk sáng lập[60].

Trong những năm đầu của nền cộng hòa, mối quan tâm của chính quyền cho Istanbul được chuyển sang Ankara, thành phố được chọn làm thủ đô mới để tách đất nước thế tục mới khỏi quá khứ Ottoman của nó[61]. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối thập niên 1940 và đầu 1950, Istanbul đã trải qua những biến đổi to lớn về cấu trúc đô thị, như những quảng trường công cộng, đại lộ mới được xây dựng khắp thành phố, đôi khi làm tổn hại tới các công trình lịch sử[62]. Dân số Istanbul bắt đầu tăng nhanh trong những năm 1970, khi người dân từ Anatolia di cư tới thành phố để kiếm việc làm trong nhiều nhà máy mới xuất hiện ở vùng ngoại ô của một thành phố đang vươn lên. Sự nhảy vọt đột ngột về dân số tạo nên nhu cầu lớn về phát triển nhà ở, và nhiều ngôi làng và khu rừng hẻo lánh trước kia đã được sáp nhập vào vùng đô thị Istanbul[63].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Istanbul http://www-sre.wu-wien.ac.at/ersa/ersaconfs/ersa06... http://www.armenianow.com/news/10672/armenian_in_i... http://www.borsaistanbul.com/en/corporate/about-bo... http://www.cnngo.com/explorations/shop/mystery-sho... http://www.csmonitor.com/World/Latest-News-Wires/2... http://www.economist.com/node/4389654 http://www.emporis.com/building/centralpostoffice-... http://www.emporis.com/building/haydarpasatrainsta... http://www.f1h2o.com/races/index.php http://turkey2010.fiba.com/pages/eng/fe/10/fwcm/ev...